Thành phố Kon Tum: Nỗ lực nâng cao mức độ đạt chuẩn nông thôn mới
Theo rà soát, hiện 11/11 xã của thành phố Kon Tum đều không giữ vững được kết quả đạt chuẩn 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Chính quyền thành phố đang nỗ lực triển khai các giải pháp để “giữ chuẩn” và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tháng 3/2015, Đoàn Kết là xã đầu tiên của thành phố Kon Tum, và là xã thứ 2 của tỉnh, “về đích” NTM. 8 năm sau, tháng 4/2023, 3 xã cuối cùng (Đăk Blà, Ngọc Bay và Đăk Rơ Wa) trong 11 xã của thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM.
Trong 11 xã đạt chuẩn NTM của thành phố Kon Tum có 8 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã đạt chuẩn NTM mới (Bộ tiêu chí) giai đoạn 2016 - 2020 và 3 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, hiện tại tất cả 11 xã đều không giữ vững được kết quả đạt chuẩn 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, số tiêu chí bình quân hiện nay là 16 tiêu chí/xã; đạt thấp nhất là 15 tiêu chí (gồm các xã Ia Chim, Hòa Bình, Đăk Năng, Ngọc Bay); cao nhất là 17 tiêu chí (các xã Đoàn Kết, Đăk Cấm, Chư H’reng, Kroong); 3 xã Vinh Quang, Đăk Blà, Đăk Rơ Wa đạt 16 tiêu chí.
Đường giao thông tại các thôn đồng bào DTTS của xã Đăk Năng được bê tông sạch sẽ. Ảnh: DN
Qua khảo sát, các xã chưa đạt chuẩn tập trung vào 6 tiêu chí sau: tiêu chí 1 về quy hoạch; tiêu chí 2 về giao thông; tiêu chí 5 về trường học; tiêu chí 15 về y tế; tiêu chí 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; tiêu chí 19 về quốc phòng và an ninh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc 11 xã “tụt chuẩn”. Trong đó, theo ông Nguyễn Thanh Mân –Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, chủ yếu là Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 có mức độ đánh giá đạt chuẩn cao, nội dung yêu cầu và mức độ đạt chuẩn nâng lên so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020.
Đơn cử, so sánh đối với tiêu chuẩn “Đạt” tiêu chí 1 - Quy hoạch, Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 quy định “1.1. Có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn”, trong khi Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025 quy định “1.1. Có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó có quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn) và được công bố công khai đúng thời hạn”.
Hay tiêu chí 2 – Giao thông, Bộ tiêu chí 2016 - 2020 quy định “UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính kết nối của hệ thống giao thông trên địa bàn”, còn Bộ tiêu chí 2021- 2025 quy định “cứng”: Đối với vùng Tây Nguyên, tỷ lệ đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%; tỷ lệ đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%”.
UBND cấp tỉnh “được” quy định “tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm và tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm” để phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính kết nối của hệ thống giao thông trên địa bàn.
Nông dân thành phố Kon Tum chăm chỉ lao động sản xuất, giữ vững tiêu chí số 10 về thu nhập. Ảnh: D.N
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân dẫn đến việc các xã không giữ được đạt chuẩn, như các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM mới từ Trung ương đến địa phương có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục hoặc ban hành hướng dẫn chậm, gây khó khăn trong quá trình triển khai vào thực tế.
Cơ sở hạ tầng, như giao thông, trường học, nhà văn hóa được đầu tư trước đây nay đã xuống cấp, hư hỏng, không còn phù hợp với quy mô phát triển dân số, tỷ lệ học sinh đến trường.
Để thực hiện nhiệm vụ đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 tại 11 xã và xây dựng tối thiểu 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Đoàn Kết), Thành ủy, UBND thành phố Kon Tum đã và đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp hướng dẫn UBND 11 xã đánh giá chi tiết từng chỉ tiêu của từng tiêu chí theo quy định đạt chuẩn NTM, từ đó để các địa phương có giải pháp cụ thể duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.
Song song với đó là tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo; chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn tạp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp.
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả để chỉnh trang các công trình văn hóa, trường học; khai thác tốt các nguồn thu, tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương là về nguồn lực tài chính. Cụ thể, thành phố cần khoảng 116,881 tỷ đồng, trong đó 50,072 tỷ đồng để duy trì 11/11 xã đạt chuẩn NTM và 66,809 tỷ đồng để đầu tư xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nhưng khả năng cân đối bố trí ngân sách gặp khó khăn. Chính quyền thành phố dự kiến huy động từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhưng nguồn thu sử dụng đất đạt thấp do việc đấu giá quyền sử dụng đất của các dự án chưa thực hiện được.
Nguồn: Báo Kon Tum