A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài tuyên truyền: Phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn

BÀI TUYÊN TRUYỀN

PHÂN LOẠI CHẤT THẢI SINH HOẠT TẠI NGUỒN

 

Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường. Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, rác thải được sinh ra nhiều hơn. Rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt bỏ. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Việc xử lí rác thải là một vấn đề khách quan và cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người.

*Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 03 nhóm như sau:

- Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc chế biến lại như sắt, thép, nhựa, nilong, giấy, thùng carton, xăm lốp hỏng,... tiến hành thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước, thể tích; ưu tiên thực hiện theo quy định về tái chế chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR).

- Nhóm chất thải thực phẩm: Là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên, sinh ra mùi như thức ăn thừa, thức ăn hỏng, vỏ trái cây, các chất thải tách ra do làm bếp,... Bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì... kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán.

- Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác: Là những chất thải rắn vô cơ không có khả năng sử dụng hoặc chế biến lại như giấy ăn đã qua sử dụng, thủy tinh, quần áo cũ, xỉ than, xương động vật,... Tiến hành thu, xếp gọn các vật sắc nhọn để tránh gây thương tích trong quá trình phân loại, thu gom, xử lý; Không đập vỡ. Trường hợp bị vỡ thì lưu giữ đảm bảo an toàn tránh gây thương tích, ngăn ngừa phát tán thủy ngân trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý; Thu gọn, giảm kích thước, thể tích.

* Các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì, thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý, cụ thể như sau:

- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thu gom tối đa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, lưu giữ trong khuôn viên nhà của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể bán hoặc cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc tổ chức, cá nhân thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Trường hợp không cho hoặc bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thì chủ nguồn thải phải bỏ vào bao bì hoặc thiết bị lưu chứa (thùng rác chuyên dụng)màu trắng/xám và bàn giao cho Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển.

- Chất thải thực phẩm: Chứa đựng trong bao bì có màu xanh đảm bảo không bị rò rỉ nước, ngăn ngừa mùi phát tán; lưu trữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi.

- Chất thải rắn sinh hoạt khác:

+ Đối với chất thải nguy hại từ các hộ gia đình, cá nhân (pin, acquy,...) đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý, nhưng phải có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại và thời gian lưu giữ không quá 01 năm kể từ thời điểm phát sinh. Bỏ vào bao bì hoặc thiết bị lưu chứa (thùng rác chuyên dụng)màu cam, định kỳ đưa đến các điểm lưu chứa theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố để đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.

+ Đối với chất thải rắn cồng kềnh (giường, tủ, nệm, bàn, ghế salon, tranh ảnh khổ lớn, thảm sàn, gốc cây, thân cây và nhánh cây,...) và chất thải xây dựng: Lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, các nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; Chủ nguồn thải phải tự tháo rã để giảm kích thước, tự vận chuyển đến nơi xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo mức giá do đơn vị cung ứng cung cấp.

+ Đối với chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại: Chứa đựng trong bao bì có màu vàng; lưu trữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển.

* Một số lưu ý:

- Chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình được lưu chứa trong các thùng chứa, thiết bị lưu chứa phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường (khuyến khích sử dụng thiết bị lưu chứa là các thùng rác chuyên dụng của các nhà sản xuất). Các thùng chứa phải có nhãn dán hoặc ký hiệu để phân biệt rác thải hữu cơ, vô cơ và rác thải nguy hại.

 - Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phải được thực hiện riêng biệt theo tính chất của từng loại chất thải đã được phân loại nhằm đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

- Đối với nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu): hộ gia đình, cá nhân có thể bán, cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc các tổ chức, cá nhân thu gom rác thải sinh hoạt. Trường hợp không bán hoặc cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thì chủ nguồn thải, hộ gia đình bỏ chung với thùng chứa rác vô cơ.

- Khuyến khích người dân tái sử dụng, tái chế triệt để các loại chất thải; các Hội viên, Đoàn viên xây dựng các mô hình thu gom phế liệu, quần áo, đồ dùng cũ để làm từ thiện, gây quỹ cho Hội, Đội.

- Đối với Chất thải rắn cồng kềnh (giường, tủ, nệm, bàn, ghế salon, tranh ảnh khổ lớn, thảm sàn, gốc cây, thân cây và nhánh cây,...), chất thải xây dựng phải do chủ nguồn thải tự vận chuyển hoặc tự thỏa thuận với chủ thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý CTRSH theo mức giá do đơn vị cung ứng cung cấp.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 10
Tháng 10 : 420
Tháng trước : 596
Năm 2024 : 6.574