A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy chế Cuộc thi tìm hiểu "Kon Tum - 110 năm xây dựng và phát triển”

Quy chế Cuộc thi tìm hiểu "Kon Tum - 110 năm xây dựng và phát triển”

Thực hiện Kế hoạch số 43-KH/BTGTU, ngày 03-8-2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Kon Tum - 110 năm xây dựng và phát triển” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) và Quyết định số 81-QĐ/BTGTU, ngày 03-8-2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi ban hành Quy chế Cuộc thi như sau

Quy chế Cuộc thi tìm hiểu "Kon Tum - 110 năm xây dựng và phát triển”

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Quy chế này quy định về đối tượng, hình thức, yêu cầu bài tham gia Cuộc thi; nguyên tắc, cách thức tính điểm, chấm bài dự thi và xét giải thưởng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác chấm bài dự thi và xét giải thưởng Cuộc thi.
2. Quy chế này được thực hiện thống nhất trong quá trình triển khai tổ chức Cuộc thi.
B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. Đối tượng dự thi và thể lệ
1. Đối tượng tham gia Cuộc thi: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh trung học cơ sở trở lên[1] và Nhân dân hiện đang sinh sống, công tác, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh Kon Tum (trừ thành phần tham gia Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và cán bộ, công chức của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cán bộ kỹ thuật thiết kế phần mềm Cuộc thi).
2. Hình thức thi: Cuộc thi được thực hiện bằng 02 hình thức: thi viết và thi trắc nghiệm trên Trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; mỗi người dự thi có thể tham gia cả hai hình thức thi (gồm 01 bài thi viết và 01 lượt thi trắc nghiệm/người/tháng).
3. Thời gian thi:
- Đối với bài thi viết: Hạn cuối nộp bài thi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là ngày 20-11-2022[2].
- Đối với bài thi trắc nghiệm: Thời gian thi trong 03 tháng (bắt đầu từ 06 giờ 00, ngày 13-9-2022 đến 21 giờ 00, ngày 13-12-2022).
4. Yêu cầu về bài dự thi:
4.1. Yêu cầu đối với bài dự thi viết:
- Bài thi viết được trình bày bằng hình thức đánh máy hoặc viết tay. Đối với bài dự thi đánh máy, độ dài không quá 20 trang, khổ giấy A4 (trừ lề trái, phải, trên dưới lần lượt là 3,0 cm; 1,5 cm; 2,0 cm; 2,0 cm); sử dụng font chữ Time New Roman, cỡ chữ 14, khoảng cách dòng 18pt (Exactly); khoảng cách các đoạn (Spacing): 6pt. Đối với bài thi viết tay, độ dài không quá 8.000 chữ. Bài dự thi có thể kèm theo hình ảnh minh họa (nếu có)[3].
- Bài dự thi phải nộp bản gốc, có ghi rõ họ tên; tuổi; dân tộc; giới tính; nghề nghiệp; đơn vị công tác (học tập); nơi thường trú; số điện thoại (nếu có); có chữ ký của người dự thi.
Tổ chức cơ sở đảng thuộc đảng bộ cấp huyện nào thì thu nhận và gửi bài thi về ban tuyên giáo cấp huyện của đảng bộ đó. Riêng các tổ chức cơ sở đảng công an, quân sự cấp huyện, đồn biên phòng gửi bài thi về Phòng công tác Đảng, công tác chính trị (Công an tỉnh); Ban Tuyên huấn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) theo đơn vị ngành dọc; bài thi của đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị-xã hội (từ tỉnh đến cơ sở) gửi về ban tuyên giáo các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh (Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh); sinh viên thuộc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum do Ban Giám đốc Phân hiệu phân công đầu mối thu nhận bài thi; cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 nộp về Ban Tuyên huấn Sư đoàn 10.
* Ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh; Phòng công tác Đảng, công tác chính trị (Công an tỉnh); Ban Tuyên huấn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh); Phân hiệu Đại học Đà Nẵng, Ban Tuyên huấn Sư đoàn 10 tiến hành thu nhận, tổng hợp bài thi theo đối tượng trên, lập danh sách[4] gửi về Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum (địa chỉ: số 236, đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp; các bài dự thi được sắp xếp theo thứ tự danh sách, đóng hộp, có niêm phong.
- Bài dự thi không hợp lệ nếu sao chép dưới mọi hình thức. Phần liên hệ thực tiễn, đề xuất của người dự thi phải là những nội dung mới, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
4.2. Yêu cầu đối với bài dự thi trắc nghiệm:
- Thí sinh tiến hành các thao tác theo hướng dẫn và hoàn thành bài dự thi. Bài dự thi hợp lệ là bài dự thi thực hiện đầy đủ các bước thao tác, đăng ký đầy đủ các thông tin theo yêu cầu và trả lời tất cả các câu hỏi của một bài thi. Bài dự thi không hợp lệ, phần mềm máy tính sẽ không tích hợp kết quả thi.
Bước 1: Truy cập vào địa chỉ: www.tuyengiaokontum.org.vn vào chuyên mục Cuộc thi tìm hiểu “Kon Tum - 110 năm xây dựng và phát triển” để tham gia dự thi.
Bước 2: Tiến hành đăng ký các thông tin cá nhân theo hướng dẫn: Họ tên; ngày tháng năm sinh; địa chỉ; cơ quan (đơn vị) nơi công tác (học tập); điện thoại; Email... theo yêu cầu.
Bước 3: Sau khi hoàn tất thao tác đăng ký, người dự thi đánh dấu vào ô xác thực và ấn nút "BẮT ĐẦU THI" để tham gia cuộc thi.
Sau khi trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm và 01 câu hỏi phụ (bắt buộc trả lời), người dự thi ấn nút "NỘP BÀI DỰ THI".
II. Về số lượng câu hỏi, thang điểm, cách chấm bài thi
1. Đối với bài dự thi viết:
1.1. Số lượng câu hỏi: 03 câu/bài thi. Cụ thể:
Câu 1: Nêu quá trình thành lập tỉnh Kon Tum và những biến đổi về địa giới hành chính cấp huyện từ khi thành lập tỉnh (năm 1913) đến nay? Cảm nhận của bản thân về vùng đất và con người Kon Tum?
Câu 2: Một trong những truyền thống quý báu của Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà là tinh thần đoàn kết. Hãy chứng minh nhận định trên?
Câu 3: Anh/Chị hãy đề xuất những giải pháp để khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
1.2. Thang điểm: Tổng điểm của cả bài thi tối đa là 10 điểm.
1.2.1. Điểm nội dung: Tối đa là 9,0 điểm:
- Điểm nội dung câu 1: 3,0 điểm.
- Điểm nội dung câu 2: 3,0 điểm.
- Điểm nội dung câu 3: 3,0 điểm.
1.2.2. Điểm hình thức: Tối đa là 1,0 điểm, gồm:
+ Sạch sẽ, rõ ràng: 0,3 điểm.
+ Đầu tư công phu, đẹp; trình bày bìa, sưu tầm tranh, ảnh tư liệu… bố trí phù hợp, lôgic với nội dung: 0,7 điểm.
2. Đối với bài dự thi trắc nghiệm:
2.1. Số lượng câu hỏi: Mỗi bài thi/tháng gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm và 01 câu hỏi phụ dự đoán số bài thi trả lời đúng tất cả câu hỏi trong tháng.
2.2. Thang điểm: Tổng điểm của 1 bài thi tối đa là 30 điểm (01 điểm/câu hỏi).
Mỗi câu hỏi có từ 3 đến 4 đáp án, trong đó chỉ có 1 đáp án đúng.
3. Cách thức chấm bài và cho điểm:
3.1. Đối với bài dự thi viết:
- Việc chấm bài phải bám sát thang điểm trong đáp án. Trong mỗi mục, căn cứ vào điểm tối đa của mục đó và chất lượng thực tế của bài để chấm điểm cho phù hợp:
+ Bài làm hoàn toàn giống nhau hoặc copy một phần nội dung của nhau; bài photocopy (không phải bản gốc); bài làm không đủ nội dung theo yêu cầu của câu hỏi; bài sai quan điểm chính trị thì bị loại.
+ Bài trình bày đủ ý, trình tự, chặt chẽ và có mở rộng thêm thông tin sát với nội dung câu hỏi thì cho điểm tối đa. Trong trường hợp bài làm khác với trình tự đáp án, nhưng vẫn bảo đảm đủ ý theo yêu cầu, trình bày hợp lý thì vẫn cho điểm theo quy định của từng ý.
+ Bài trình bày thiếu ý nào thì căn cứ vào thang điểm để trừ ý đó.
+ Bài trình bày các chi tiết thừa thì không được xem xét cộng thêm điểm. Nhưng nếu chi tiết thừa sai kiến thức cơ bản thì phải xem xét mức độ sai để trừ điểm; chi tiết thừa lan man, không phù hợp với nội dung trọng tâm của câu hỏi cũng bị xem xét trừ điểm.
+ Điểm của bài dự thi bằng tổng điểm nội dung với điểm hình thức bài thi.
- Mỗi bài dự thi được chấm điểm vòng trong sẽ được chấm bởi 2 Tổ Giám khảo chấm độc lập (mỗi tổ gồm 02 giám khảo, điểm thi của Tổ Giám khảo bằng điểm trung bình cộng của 2 giám khảo). Điểm của bài dự thi bằng trung bình cộng của 2 Tổ Giám khảo.
Trường hợp điểm bài thi giữa các tổ chênh lệch từ 02 điểm trở lên (phần nội dung) thì Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi phân công thêm tổ khác để chấm lại lượt 3, 4…; điểm thi cuối cùng là trung bình cộng của hai tổ giám khảo có số điểm gần nhất.
3.2  Đối với bài thi trắc nghiệm:
- Thời gian làm bài dự thi trắc nghiệm không quá 25 phút. Hết thời gian làm bài dự thi mà thí sinh không ấn nút "NỘP BÀI DỰ THI" thì hệ thống sẽ không ghi nhận bài dự thi.
- Phần mềm thi trực tuyến sẽ tổng hợp số điểm và số dự đoán của 1 lượt/bài dự thi theo tháng. Trường hợp các thí sinh đều trả lời đúng cùng số câu hỏi của Ban Tổ chức Cuộc thi/tháng thì thí sinh nào có dự đoán (số bài thi trả lời đúng tất cả câu hỏi trong tháng) gần đúng nhất sẽ được xét chọn giải thưởng; trường hợp có nhiều thí sinh có số dự đoán gần đúng nhất như nhau thì sẽ xét giải cao hơn cho thí sinh nộp bài thi trước.
- Trường hợp thí sinh thi nhiều lần trong tháng/1 bài thi, hệ thống chỉ cập nhật bài thi lần đầu tiên. Trường hợp 01 thí sinh tham gia thi nhiều lần bằng cách thay đổi thông tin cá nhân, Ban Giám khảo loại khỏi danh sách xếp giải thưởng Cuộc thi.
III. Về xét giải thưởng Cuộc thi
1. Đối với giải tập thể:
* Giải thưởng đối với tập thể dành cho Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; Phòng công tác Đảng, công tác chính trị (Công an tỉnh); Ban Tuyên huấn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh); Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum; Ban Tuyên huấn Sư đoàn 10 và một số tổ chức có nhiều đoàn viên, hội viên tham gia.
Tập thể được giải phải có những điều kiện sau:
- Có tham mưu văn bản hoặc tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc thi ở cấp mình. Tập thể nào không tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc thi thì không được xem xét để xếp giải.
- Có nhiều bài tham gia dự thi viết, bài thi có chất lượng.
- Có ít nhất 01 bài dự thi viết được xếp giải từ giải Ba trở lên.
2. Đối với giải cá nhân:
- Các bài đạt giải phải đảm bảo theo yêu cầu của bài dự thi và có kết quả chấm điểm vòng chung khảo.
- Việc xếp hạng các giải thưởng, thực hiện theo thứ tự tổng điểm của bài thi từ trên xuống và thời gian làm bài thi (đối với bài thi trắc nghiệm).
IV. Giải thưởng Cuộc thi
1. Đối với hình thức thi viết:
1.1. Giải tập thể gồm có:
- 01 giải Nhất, trị giá 6.000.000 đồng/giải.
- 02 giải Nhì, trị giá 5.000.000 đồng/giải.
- 03 giải Ba, trị giá 4.000.000 đồng/giải.
- 03 giải Khuyến khích, trị giá 2.000.000 đồng/giải.
1.2. Giải cá nhân gồm có:
- 01 giải Nhất, trị giá 4.000.000 đồng/giải.
- 03 giải Nhì, trị giá 2.500.000 đồng/giải.
- 06 giải Ba, trị giá 2.000.000 đồng/giải.
- 20 giải Khuyến khích, trị giá 1.000.000 đồng/giải.
- 10 giải thưởng khác, trị giá 1.000.000 đồng/giải.
2. Đối với hình thức thi trắc nghiệm (không xét giải tập thể, chỉ xét giải cá nhân), gồm có:
- 03 giải Nhất, trị giá 2.400.000 đồng/giải (mỗi tháng 01 giải).
- 03 giải Nhì, trị giá 1.200.000 đồng/giải (mỗi tháng 01 giải).
- 03 giải Ba, trị giá 1.000.000 đồng/giải (mỗi tháng 01 giải).
* Ngoài các giải thưởng trên, căn cứ tình hình thực tế Ban Tổ chức Cuộc thi thống nhất cơ cấu thêm một số giải thưởng tập thể và cá nhân khác phù hợp (nếu có)
V. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chấm bài dự thi và xếp giải Cuộc thi
- Tổ chức, cá nhân có ý kiến khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chấm bài dự thi và xét giải thưởng Cuộc thi gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi công bố giải thưởng. Sau thời hạn 05 ngày, Ban Tổ chức Cuộc thi không xem xét, giải quyết.
- Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chấm bài dự thi và xét giải thưởng Cuộc thi do Ban Tổ chức Cuộc thi xem xét, giải quyết. Quyết định của Ban Tổ chức cuộc thi là kết quả giải quyết cuối cùng. 
- Không xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với kết quả, xếp giải thi trắc nghiệm.
VI. Tổ chức thực hiện
Thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi; thành viên Ban Giám khảo và Tổ giúp việc Cuộc thi; các tập thể, cá nhân tham gia Cuộc thi và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
Mọi vấn đề phát sinh (nếu có) phải được tập thể Ban Tổ chức Cuộc thi xem xét, quyết định. 


[1] Khuyến khích các em học sinh lớp 5 của bậc Tiểu học tham gia.

[2] Đối với bài dự thi gửi qua đường bưu điện thì tính theo dấu của Bưu Chính.

[3] Dung lượng hình ảnh minh họa không tính vào dung lượng bài viết.

[4] Danh sách được lập gồm các thông tin sau: số thứ tự, họ và tên, chức vụ, đơn vị công tác, học tập (hoặc địa chỉ thường trú), số điện thoại (nếu có)…

File đính kèm tải về tại đây: 04-QC/BTCCT

                                                                                                                                             Nguồn: Trang TTĐT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 12
Hôm qua : 26
Tháng 01 : 409
Tháng trước : 1.738
Năm 2025 : 409