BÀI TUYÊN TRUYỀN: CẢI TẠO VƯỜN TẠP
Thực hiện Thông báo số 1095-TB/TU, ngày 15.8.2024 của Ban Thường vụ Thành uỷ Kon Tum về công tác cải tạo vườn tạp tại các thôn, làng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố; Đảng uỷ xã Vinh Quang đã ban hành Kế hoạch số 134-KH/ĐU, ngày 19.9.2024 về thực hiện công tác cải tạo vườn tạp tại các thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Vinh Quang. Trong đó, Đảng uỷ, chính quyền địa phương xác định Cải tạo vườn tạp tại 03 thôn đồng bào DTTS trên địa bàn xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn để triển khai thực hiện có hiệu quả, nhằm cải thiện kinh tế hộ gia đình, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững.
Trong những năm qua, trên địa bàn xã còn rất nhiều diện tích vườn hộ chưa được phát huy hiệu quả như: Sản xuất các loại cây ăn quả bằng các giống cũ cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp; một số vườn hộ trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, sản xuất trong khu vườn chỉ mang tính quảng canh, chưa chú trọng đầu tư chăm sóc; chủ yếu trồng các loại rau, màu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của hộ nhưng bố trí chưa hợp lý… đây là những diện tích cần phải tập trung cải tạo, chuyển đổi giống nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Một số diện tích vườn chưa được thiết kế, bố trí cây bảo vệ phù hợp nên đất bị xói mòn, chai cứng bạc màu; đất không được cải tạo, bón phân... nên năng suất các loại cây trồng thấp.
Để tập trung các giải pháp, nguồn lực thực hiện cải tạo vườn hộ, vườn tạp kém hiệu quả kinh tế sang đầu tư thâm canh hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và nhu cầu của thị trường nhằm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích và hình thành vườn mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới. UBND xã Vinh Quang thông tin đến Nhân dân trên địa bàn xã một số nội dung chủ yếu để hiểu rõ Cải tạo vườn tạp là như thế nào, mục đích, ý nghĩa và các bước triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
1. Khái niệm vườn tạp: Vườn tạp là vườn gồm nhiều loại cây: Cây ăn quả, cây công nghiệp, cây làm thuốc v.v.. cùng sinh sống, phát triển trên một diện tích đất nhất định. Trong vườn, không nhận thấy cây trồng nào là chủ lực; sản phẩm thu được rải rác qua nhiều tháng không xác định được sản phẩm chính, thu nhập giá trị không cao.
2. Các loại hình vườn tạp thường gặp:
- Vườn trồng lẫn lộn nhiều loại cây ăn quả (có từ 03 giống hoặc loài trở lên). Vị trí trồng tùy tiện, không hợp lý nên có sự cạnh tranh về ánh sáng, độ ẩm và nguồn dinh dưỡng.
- Vườn chỉ có 1-2 chủng loại cây ăn quả, nhưng chất lượng giống không tốt. Do thiếu chuyên môn, ham giá rẻ nên rất nhiều chủ vườn mua cây giống của người bán rong nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng cây giống. Có trường hợp họ tự chiết lấy từ các cây đã mang bệnh để trồng (Cam, Quýt…).
- Vườn đã được trồng 1-2 chủng loại cây ăn quả đủ tiêu chuẩn về giống song việc đầu tư, chăm sóc, bón phân, tưới nước, quản lý vườn cây không đúng kỹ thuật, dẫn đến cây trong vườn sinh trưởng kém, chậm ra hoa, kém đậu quả, sâu bệnh phát sinh không được phòng trừ kịp thời dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém.
- Vườn trồng cây ăn quả xen với nhiều loại cây trồng khác như sắn, bời lời, keo hoặc các cây khác như tre, măng, lồ ô…Trong vườn không nhận thấy cây trồng nào là chủ lực.
3. Mục đích cải tạo vườn tạp: Cải tạo vườn cây gồm nhiều loại cây, hiệu quả kinh tế thấp thành vườn cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhằm nâng cao thu nhập, mức sống cho người làm vườn.
4. Phương hướng cải tạo: Xác định hiện trạng phân loại vườn tạp là bước đầu tiên trong quy trình cải tạo vườn tạp. Bước này giúp xác định được những hạn chế, tồn tại của vườn, từ đó đề ra các biện pháp cải tạo phù hợp. Sau đó, cần xác định những cây có giá trị hiện có trong vườn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; thực hiện việc bố trí lại cấu trúc không gian vườn: Khu chăn nuôi, khu vệ sinh, khu nước sinh hoạt, kết hợp tiến hành xây hoặc rào lại khu vườn gia đình (khuyến khích phát triển hàng rào xanh); thực hiện biện pháp dọn dẹp lại khu vườn gia đình, loại bỏ những cây tạp không có giá trị, cỏ dại… bố trí lại các loại cây trồng, vật nuôi trong vườn hợp lý, khoa học.
5. Nội dung cải tạo vườn tạp:
- Về giống: Kiểm tra các giống hiện có trong vườn; xác định cây nào, giống nào cần được cải tạo, chặt bỏ hoặc giữ lại. Xác định giống cần đưa vào cải tạo: Giống đưa vào cải tạo phải là giống có chất lượng tốt, năng suất ổn định, ít sâu bệnh.
- Về đất vườn và hệ thống tưới: Hàng năm bón phân hữu cơ cho cây ăn quả ít, bón phân vô cơ không hợp lý, không thường xuyên bón vôi khử chua, không bón các loại phân trung vi lượng nên dẫn đến vườn cây già cỗi, thới hóa. Hệ thống tưới hầu như không có nên việc thiếu nước vào mùa khô thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, ảnh hưởng đến việc phân hóa mầm hoa, đậu quả của cây.
- Về kỹ thuật canh tác: Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh phù hợp với từng giống cây từ khâu làm đất, đào hố, mật độ trồng đến việc bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán, phun thuốc bảo vệ thực vật, trồng xen, thu hoạch và bảo quản. Chủ vườn cần căn cứ vào điều kiện khí hậu, đất đai, tập quán canh tác, thị hiếu người tiêu dùng, khả năng tiêu thụ sản phẩm của từng vùng để điều chỉnh cho phù hợp.
6. Các biện pháp áp dụng khi cải tạo vườn:
- Tiến hành khảo sát đánh giá vườn cây trên cơ sở đó định ra ý tưởng hình mẫu cho vườn cây.
- Đốn bỏ những cây không thích hợp, phục hồi lại những cây có khả năng phát triển.
- Cắt tỉa tạo hình cho các cây trên vườn nhằm điều chỉnh khoảng cách, phân bố không gian hợp lý tạo ra các cành có lợi cho việc ra hoa và đậu quả.
- Trồng dặm các cây mới trong vườn để đảm bảo mật độ, khai thác hợp lý về đất đai.
- Ghép cải tạo và ghép phục hồi các cây trên vườn nhằm thay đổi giống, phục hồi cây sinh trưởng yếu cằn cỗi.
- Tiến hành các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc thâm canh nhằm nâng cao năng suất phẩm chất quả như: Tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh điều chỉnh ra hoa tăng tỷ lệ đậu quả, bao quả để giữ quả cho tươi đẹp.
- Tuỳ theo mỗi loại giống cây ăn quả mà biện pháp kỹ thuật tiến hành khác nhau.
7. Hướng dẫn bố trí cây trồng, vật nuôi và thủy sản đối với các loại vườn hộ gia đình:
- Vườn có diện tích đất vườn hộ gia đình dưới 50 m2: Trồng các loại rau, củ,…để nâng cao giá trị dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn, tiết kiệm chi phí mua thực phẩm hàng ngày.
- Vườn có diện tích đất vườn hộ gia đình từ 50 m2 đến dưới 500 m2: Trồng các loại cây hàng năm như: rau, đậu và cây dược liệu (Đinh Lăng, Gừng, Nghệ, Sả…); bố trí khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm cho phù hợp đảm bảo khoảng cách với nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường trong diện tích vườn để cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe, nâng cao thu nhập.
- Vườn có diện tích đất vườn hộ gia đình có từ 500 m2 đến dưới 1.000 m2: Trồng cây ăn quả các loại (sầu riêng, mít, bơ, mắc ca…) kết hợp trồng dược liệu (Sa nhân, Đinh Lăng, Sả…) và bố trí khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm cho phù hợp đảm bảo khoảng cách với nhà ở, hợp vệ sinh môi trường trong diện tích vườn. Sau thời gian kiến thiết cơ bản, khi vườn cây khép tán kết hợp chăn nuôi gà theo hình thức bán chăn thả,… đảm bảo vườn xanh - sạch - đẹp và gắn với phát triển nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn.
- Vườn có diện tích đất vườn hộ gia đình có từ 1.000 m2 trở lên: Trồng cây mắc ca, cây ăn quả các loại và trong những năm đầu kiến thiết cơ bản có thể xen canh các loài cây họ đậu (Đậu Lạc, Đậu Đen, Đậu Xanh,…) để lấy ngắn nuôi dài và cải tạo dinh dưỡng cho đất hoặc xen canh trồng dứa, trồng dược liệu (Nghệ, Gừng, Sa Nhân, Sâm Dây,..); bố trí địa điểm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp, hợp vệ sinh môi trường trong diện tích vườn. Sau thời gian kiến thiết cơ bản, khi vườn cây đã khép tán có thể kết hợp nuôi gia cầm thả vườn, nuôi ong lấy mật,… dưới tán vườn cây.
- Đối với những vườn có ao cá, bố trí trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cỏ cho cá, gia súc quanh bờ ao và khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản: Thiết kế, chỉnh trang cải tạo áp dụng theo mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC) hoặc Mô hình cải tiến của VAC trong điều kiện phù hợp.
Như vậy, Cải tạo vườn hộ, vườn tạp để phát triển kinh tế vườn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển nông nghiệp sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân. Việc cải tạo vườn hộ cần thiết phải định hướng cho nông dân phát triển theo quy hoạch, tùy thuộc vào thế mạnh từng vùng mà lựa chọn quy mô, đối tượng cây con, hình thức thực hiện cho phù hợp để mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người dân.
-----