A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố Kon Tum chú trọng giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng

Thành phố Kon Tum chú trọng giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng

Thành phố Kon Tum có trên 36% dân số là người đồng bào DTTS, gồm các dân tộc anh em như Ba HNa, J'rai, Xơ Đăng, Rơ Ngao... sinh sống với những nét văn hóa độc đáo, đa dạng và phong phú, trong đó phải kể đến không gian văn hóa cồng chiêng. Đây là niềm tự hào, khích lệ Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nỗ lực giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa đặc sắc của nhân loại.

Biểu diễn tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS phường Thắng Lợi

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, tuy sức khỏe đã yếu nhưng nghệ nhân Y Blưn, làng  Kon Tum Kơ pâng, phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum vẫn ngày ngày truyền dạy cho con, cháu trong làng những điệu múa xoang, cách đánh cồng chiêng đặc trưng của dân tộc mình. Để khơi dậy tình yêu, niềm đam mê cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ, nghệ nhân Y Blưn truyền dạy theo cách riêng của mình, đó là theo tâm lý, sở thích của các em. Không kể ngày hay đêm, nghệ nhân Y Blưn luôn gần gũi kể cho các cháu trong làng hiểu được những giá trị cốt lõi của cồng chiêng trong đời sống, gắn bó với bà con, và chỉ dạy từng động tác một. Nghệ nhân Y Blưn, làng Kon Tum Kơ Pâng, phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum chia sẻ: Vì muốn văn hóa cồng chiêng không bị mai một nên khi đã nghỉ hưu rồi tôi vẫn dạy các em vừa đánh cồng chiêng, vừa múa xoang, vì mình nghĩ rằng nếu không tập cho các em thì không thể nào các em biết được. Mình không giỏi giang nhưng vẫn cố gắng tập để cho các em biết được đánh cồng chiêng, bây giờ các em đều đã được tham gia liên hoan cồng chiêng hay các hội thi do các cấp tổ chức.

Với sự tận tâm truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang của nghệ nhân Y Blưn đã đánh thức niềm đam mê, tình yêu cồng chiêng, xoang trong giới trẻ của làng. Đến nay, tất cả thanh thiếu nhi làng KonTum Kơ Pâng, con trai đều biết đánh chiêng, con gái thì biết múa xoang, các em còn biết đánh rất nhiều bài chiêng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba HNa như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả... Em Y Khia, làng  Kon Tum Kơ Pâng, phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum phấn khởi nói: Bà Y Blưn dạy cho con múa xoang theo nhịp cồng chiêng từ năm lớp 3, tới bây giờ. Con rất vui khi được bà tập luyện múa. Tham gia Hội thi, các lễ hội con thấy tự hào và rất là vui”

Để bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng, thành phố Kon Tum đã xây dựng đề án "Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng”. Trong năm 2022, thành phố đồng loạt tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang, trang phục truyền thống lần thứ nhất tại các xã, phường có làng ĐB DTTS. Hội thi đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc thiểu số tham gia. Từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng phấn khởi, chăm chỉ tập luyện từng động tác cho thuần thục. Với A Văn Sâm, khi được tham gia đội cồng chiêng làng Plei Dơng, xã Hòa Bình, em vui mừng lắm, vì em không chỉ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, vui chơi trong những ngày hè mà còn hiểu được vai trò của thế hệ trẻ trong quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Em cho biết: Khi được đánh chiêng con rất là thích vì mang lại cho những người xem những bài biểu diễn cồng chiêng, múa xoang của dân tộc mình. Nhất là trong dịp hè, và tại các lễ hội chúng con được gặp nhau, cùng tham gia rất là vui.

Với sự hưởng ứng tích cực và chuẩn bị chu đáo của bà con các dân làng, Hội thi tại các xã, phường đã thu hút đông đảo người dân tham gia và cổ vũ. Trong Hội thi, các đội tham gia phần thi biểu diễn trang phục truyền thống; thi đánh cồng chiêng và phần thi thu hút nhiều nghệ nhân tham gia nhất là đánh cồng chiêng, múa xoang, những bài chiêng ấn tượng, ý nghĩa như Bỏ mả, Mừng lúa mới, Tây Nguyên xưa, Vũ điệu Tây nguyên như tái hiện lại tất cả đời sống sinh hoạt, không gian lễ hội của bà con người Ba HNar, Gia Rai trên địa bàn. Già làng A Nher, làng Plei Dơng, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum cho biết: Từ xưa dân làng biết nhảy múa, tập đánh cồng chiêng rất vui. Giờ con cháu lớn rồi, người lớn truyền dạy cho con cháu để sau này mấy đứa nhỏ còn trẻ cũng biết và lưu giữ được bản sắc của dân tộc mình chứ không là nó quên.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Hội thi

Phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, xoang gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền thành phố và các xã, phường chú trọng. Ngoài việc duy trì các đội cồng chiêng, xoang của người lớn tuổi, các địa phương còn tập trung truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đến nay tại 26/60 làng đồng bào DTTS đã thành lập được các đội cồng chiêng, xoang độ tuổi thanh thiếu niên. Bà Phùng Thị Y Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum cho biết: Việc các em tham gia các đội cồng chiêng ở các thôn rất đông và sôi nổi, đó là một điều đáng mừng để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và làm thay đổi nhận thức của giới trẻ hiện nay trong việc giữ gìn, bảo vệ nét truyền thống của người đồng bào DTTS.

Hội thi cồng chiêng, xoang, trang phục truyền thống góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời gắn kết văn hóa truyền thống với du lịch cộng đồng, qua đây, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh  công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bà Phan Thị Thu Hà, Trưởng Phòng VH&TT thành phố Kon Tum cho biết: Thành phố Kon Tum chỉ đạo các xã, phường tổ chức hội thi cồng chiêng, xoang lần thứ I, tiến tới tổ chức hội thi cấp thành phố. Việc tổ chức hội thi cồng chiêng, xoang nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng nói chung tạo môi trường giao lưu kết nối cộng đồng, giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa  dân tộc trên địa bàn thành phố đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh tạo thành sản phẩm đặc trưng phục vụ hoạt động du lịch tại địa phương. Trong thời gian tới, định hướng của thành phố tổ chức hội thi cồng chiêng hàng năm để hoạt động này trở thành ngày hội văn hóa gắn với quảng bá du lịch tại thành phố Kon Tum.

Nỗ lực hoàn tất khâu chuẩn bị để tổ chức Hội thi - Ảnh dựng cây nêu tại Nhà rông Kon KLor

 Trong những ngày này, công tác chuẩn bị tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS thành phố Kon Tum lấn thứ nhất năm 2022 đang được gấp rút hoàn thành.  Hội thi hứa hẹn sẽ đem đến cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhất là bà con dân làng những niềm vui, phấn khởi và sự tự hào cùng đồng hành với thành phố thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn./.

                                                                                                                                                                                                 Tin, ảnh: Minh Phượng

                                                                                                                                                                                                 Dẫn nguồn từ Trang TTĐT thành phố


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6
Hôm qua : 5
Tháng 10 : 360
Tháng trước : 596
Năm 2024 : 6.514