• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển mạnh kinh tế số ngành, lĩnh vực

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về Chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Bộ phận một cửa Sở GTVT giao dịch với người dân và doanh nghiệp. Ảnh: HN

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh, đến nay, kinh tế số tỉnh bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tính đến ngày 30/8/2023, trên địa bàn tỉnh có 2.651 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 25 toàn quốc; có 15.383 giao dịch trên sàn thương mại điện tử và có 143.472 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số. Việc phát triển kinh tế số đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh. Đồng thời, triển khai, đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đưa các sản phẩn nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử.

Theo báo cáo chuyên đề của Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, tỉnh Kon Tum có tỷ trọng kinh tế số về tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP) là 9,44%, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành.

Nguyên nhân GRDP của tỉnh thấp là do đa số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh thuộc loại hình nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc chuyển đổi số. Hoạt động quản lý thương mại điện tử còn nhiều hạn chế, như: Công tác truyền thông chưa sâu rộng, chưa thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua sàn thương mại điện tử do một số người dân tham gia sàn thương mại điện tử chưa tiếp cận việc thanh toán không dùng tiền mặt, chưa có tài khoản thanh toán.

Đồng thời, một số chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế số chưa thống kê được để làm cơ sở ra chỉ tiêu thực hiện hàng năm như: Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử; tỷ trọng doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP. Mặt khác, các chỉ tiêu kinh tế số phải thu thập số liệu từ nhiều nguồn do các đơn vị ngành dọc quản lý, nên công tác phối hợp đôi khi còn chưa kịp thời.

Để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU là “Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%”, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị của tỉnh cần có giải pháp mang tính quyết liệt, đột phá mới có thể đạt được.

Trong đó, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh tiếp tục thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 1250/KH-UBND, ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU một cách đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thúc đẩy sử dụng các nền tảng số ngành, lĩnh vực (như nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng thương mại điện tử nông sản, nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch); trong đó, ưu tiên vào các ngành, lĩnh vực có tác động lớn tới tổng sản phẩm trong nước (GDP)/GRDP như nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ, du lịch để triển khai trên diện rộng. 

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, dịch vụ theo Chương trình Xúc tiến thương mại của tỉnh; đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, thu hút đầu tư, hỗ trợ xúc tiến thương mại và kết nối thị trường đầu ra cho doanh nghiệp công nghệ số; tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp công nghệ số với khách hàng; truyền thông, quảng bá phát triển thị trường cho sản phẩm công nghệ số của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Bưu điện tỉnh tập huấn cho bà con nông dân huyện Tu Mơ Rông lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: HN

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, sự cần thiết của kinh tế số trong việc góp phần chuyển đổi số của địa phương, nâng cao sự đồng thuận của cộng đồng triển khai thực hiện. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.  

                                                                                                                                                                                                                                                Nguồn: Báo Kon Tum


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Hôm qua : 36
Tháng 05 : 71
Tháng trước : 681
Năm 2024 : 2.352